Thuốc lào – một nét văn hoá của người Việt

Hút thuốc lào không chỉ là thói quen trong đời sống sinh hoạt của người Việt, nó được nâng tầm lên thành một nét văn hóa. Văn hóa này đã có từ thuở xa xưa và lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trong xã hội Việt Nam xưa, phần đông phụ nữ ăn trầu, còn đàn ông, thuốc lào gắn bó với họ lúc vui, buồn thậm chí suốt cả cuộc đời. Thuốc lào được hút bằng điếu ống, điếu bát … để cho tiện dụng khi xa nhà thì hút bằng điếu cày (điếu để hút thuốc trong lúc cày bừa ở đồng ruộng nên gọi là điếu cày).
Cái tập quán hút thuốc lào chính là “khúc dạo đầu” cho cuộc hội ngộ, tương phùng, có thể coi là nét văn hóa của tầng lớp xã hội làng quê thời phong kiến vùng nông thôn Việt Nam. Trước kia hầu như nhà nào cũng có người hút thuốc lào, khi đã hút thuốc lào thì chắc chắn sẽ say, say rồi thì mê mẩn.
“Một thằng hút, bốn thằng say
Hai thằng châm đóm ngã quay ra nhà
Bà già đi chợ đường xa
Hít phải mùi thuốc say ba bốn tuần
Thêm chú gà trống ngoài sân,
Mổ nhầm bã thuốc cánh chân … cứng đờ.
Lại còn chị mái hoa mơ.
Hơi thuốc bay đến bơ phờ cả … lông.
Khói thuốc cứ toả vòng vòng.
Say hết tất cả nước trong, nước ngoài.”